Chi tiết bài viết
Dè dặt tái khởi động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

ảnh minh họa
Theo Bộ Tài chính, có 93 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đăng ký cổ phần hóa trong năm nay, trong đó 22 doanh nghiệp thuộc các bộ, 33 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, và 38 doanh nghiệp thuộc các địa phương.
Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như trên là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp đang nắm hầu hết nguồn lực quốc gia, song lại không tạo ra hiệu quả tương xứng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cao cấp của chương trình Fulbright Jonathan Pincus cho rằng, chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ khó mà thành công khi phụ thuộc quá nhiều vào cổ phần hóa.
Lý do là các doanh nghiệp sau khi được cổ phần hóa vẫn không phải cạnh tranh và thay đổi cách thức quản trị. Hơn nữa, chương trình cổ phần hóa sẽ gặp phải khó khăn khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng thừa nhận rằng tiến trình cổ phần hóa trong những năm vừa qua là rất khó khăn.
Gần đây khi được hỏi, vì sao chương trình này chậm lại, ông Huệ đáp lại bằng câu hỏi: “Nếu là chủ doanh nghiệp, anh có bán doanh nghiệp của mình với giá rẻ không?”
Trong bốn năm, từ 2008 đến 2011, chỉ có 117 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa - tức là tương đương với số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa trong năm 2007 và thấp hơn nhiều lần so với các năm trước đó.
Trong 20 năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm đáng kể, từ hơn 12.000 xuống còn khoảng 1.300 vào cuối năm 2011.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, trong suốt quãng thời gian 20 năm cổ phần hóa, chưa tới 15% sở hữu nhà nước được chuyển sang các chủ sở hữu khác.
Nguyên nhân chính của sự bế tắc trong chương trình này, theo ông Nguyễn Văn Giàu, là do sự đổ vỡ của bong bóng chứng khoán năm 2008, làm thị trường này rơi vào tình trạng ảm đạm những năm sau đó.
Hơn nữa, những doanh nghiệp nhà nước còn lại trong danh sách cổ phần hóa đa phần có quy mô vừa và lớn, thậm chí rất lớn, nên chương trình cổ phần hóa trở nên ngày càng phức tạp, nhất là việc định giá tài sản doanh nghiệp và giải quyết xung đột về lợi ích giữa các đối tượng có liên quan.
Chính phủ từng cam kết sẽ hoàn thành chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trước năm 2010, song thực tế cho thấy cam kết này đã thất bại.